Ngành Dược Việt Nam đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hệ thống y tế và nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, thực trạng ngành Dược Việt Nam hiện nay vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.

Tổng quan về ngành Dược Việt Nam

Ngành Dược tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và chiếm một vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống Y tế của đất nước.

Theo thống kê, với dân số gần 100 triệu người và chi tiêu cho y tế tăng mạnh (tăng 8,7 lần trong 30 năm qua), thị trường Dược phẩm Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và các công ty dược phẩm quốc tế.

Tổng quan về ngành Dược Việt Nam

Dự báo, ngành Dược Việt Nam sẽ đạt giá trị lên tới 10 tỷ USD vào năm 2026, củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm sáng trong ngành Dược phẩm toàn cầu.

Không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, Việt Nam còn sở hữu tiềm năng xuất khẩu lớn nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu và sản xuất dược phẩm. Với hạ tầng ngày càng hoàn thiện và nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là điều trị các bệnh mãn tính, bệnh liên quan đến tuổi tác và các bệnh truyền nhiễm, Việt Nam đang trở thành một thị trường chiến lược hấp dẫn đối với các công ty dược phẩm quốc tế.

Thực trạng ngành Dược Việt Nam hiện nay

Ngành Dược Việt Nam hiện nay đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng vẫn còn gặp nhiều thách thức cần được giải quyết để tiếp tục phát triển bền vững:

Thực trạng sản xuất và cung ứng dược phẩm

Công nghiệp Dược trong nước đang phát triển mạnh mẽ với hơn 23.000 loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành và còn hiệu lực, đảm bảo nguồn cung ổn định cho hệ thống Y tế.

Việc sản xuất thuốc trong nước đã đạt được những kết quả khả quan, với 238 cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 19 cơ sở đạt EU-GMP hoặc tương đương.

Hơn nữa, ngành sản xuất thuốc trong nước hiện đã bao trùm 13/13 nhóm thuốc thiết yếu theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Với khoảng trên 800 hoạt chất, sản xuất được nhiều dạng bào chế công nghệ đặc biệt, như thuốc tác dụng kéo dài, thuốc tiêm đông khô, thuốc sủi bọt – và thuốc chuyên khoa (thuốc tim mạch, đái tháo đường, nội tiết…), đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Việt Nam đã xuất khẩu được thuốc trị giá khoảng 280 triệu USD vào năm 2024, trong đó có những sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mức tăng trưởng sản xuất thuốc trong nước đạt từ 12 – 15% mỗi năm, chiếm gần 50% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng trong nước.

Bên cạnh đó, công tác quản lý và phân phối thuốc cũng đang ngày càng được chuẩn hóa và chuyên nghiệp, giúp người dân tiếp cận thuốc một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Thực trạng quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ ngành Dược

Ngành Dược Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý. Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động dược lâm sàng, tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, giúp đẩy mạnh công tác điều trị và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe.

Các quy định về kiểm soát chất lượng thuốc đã được thực hiện chặt chẽ. Hệ thống giám sát chất lượng thuốc được triển khai từ cấp trung ương đến địa phương, giúp giảm thiểu tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Tuy nhiên, quy trình cấp phép và đăng ký thuốc còn phức tạp và mất nhiều thời gian, cần được tối ưu hóa. Chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp Dược phẩm, đặc biệt là các công ty nhỏ và vừa, còn chưa đủ mạnh mẽ và thực tế.

Thực trạng thị trường Dược phẩm Việt Nam

Mặc dù thị trường Dược phẩm Việt Nam phát triển mạnh, nhưng sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vẫn là một vấn đề lớn.

Thực trạng thị trường Dược phẩm Việt Nam đang phát triển mạnh

Hiện nay, khoảng 90% nguyên liệu sản xuất thuốc phải nhập khẩu. Điều này khiến ngành Dược Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, nguồn cung và chi phí nhập khẩu. Do đó, giá thành thuốc sản xuất trong nước cao hơn khoảng 20 – 25% so với các nước như Trung Quốc và Ấn Độ, gây khó khăn trong việc cạnh tranh.

Thị trường phân phối Dược phẩm Việt Nam cũng có sự thay đổi mạnh mẽ với sự phát triển của các kênh bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng thuốc qua các kênh này còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, vấn đề thuốc giả và thuốc kém chất lượng vẫn tồn tại, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm trong nước.

Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực ngành Dược

Ngành Dược đòi hỏi một đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao và tay nghề vững chắc, bao gồm các Dược sĩ, Kỹ sư, Nhà nghiên cứu, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và quản lý thuốc.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nguồn nhân lực trong ngành Dược vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Đồng thời còn thiếu sự đồng đều về chất lượng giữa các nhóm chuyên môn.

Các chương trình đào tạo dành cho Dược sĩ, Kỹ sư và Nhà nghiên cứu cần được cải thiện và nâng cao để kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành.

Có thể bạn tìm hiểu thêm về Học ngành Dược có tương lai không?

Giải pháp phát triển ngành Dược Việt Nam

Để ngành Dược Việt Nam phát triển mạnh mẽ và hội nhập với thị trường quốc tế trong tương lai, cần thực hiện một loạt giải pháp toàn diện và chiến lược.

Giải pháp phát triển ngành Dược Việt Nam

Các giải pháp cụ thể bao gồm:

  • Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển: Xây dựng và nâng cấp các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại để đẩy mạnh việc phát triển thuốc nội địa;
  • Tăng cường hợp tác quốc tế: Để thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến và nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D), cần thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức nghiên cứu và công ty dược phẩm quốc tế;
  • Cải thiện chất lượng sản phẩm: Các nhà sản xuất Dược phẩm trong nước cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế như EU GMP, FDA, nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo các sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế;
  • Giám sát và kiểm nghiệm chất lượng: Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, cần thiết lập hệ thống giám sát chất lượng chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng;
  • Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất: Sử dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và kiểm soát chất lượng thuốc. Đồng thời, tự động hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu sai sót và tối ưu hóa năng suất;
  • Phát triển công nghệ sinh học: Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất thuốc sinh học, vắc-xin, liệu pháp gen và điều trị các bệnh nan y;
  • Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Các cơ sở đào tạo cần thường xuyên cập nhật kiến thức mới, đặc biệt là trong các tiến bộ y học và Dược học, để phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành;
  • Khuyến khích nghiên cứu khoa học: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong ngành Dược để phát triển những sản phẩm mới, giải pháp điều trị tiên tiến;
  • Xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả: Cần xây dựng mạng lưới phân phối thuốc chất lượng từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa;
  • Kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm: Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng;
  • Hoàn thiện cơ chế chính sách pháp lý: Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý và các cơ chế chính sách liên quan đến ngành Dược, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thông qua việc thực hiện những giải pháp này, ngành Dược Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thế giới, khẳng định vị thế và uy tín của mình trong ngành dược phẩm toàn cầu.

Trên đây là những phân tích và đánh giá về thực trạng ngành Dược Việt Nam hiện nay mà ban tư vấn Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổng hợp. Hy vọng rằng bài viết đã mang đến cái nhìn sâu sắc về những cơ hội cũng như thách thức mà ngành Dược đang đối mặt.