Theo học ngành Y sĩ đa khoa nhưng bạn vẫn chưa hiểu rõ chứng chỉ hành nghề Y sĩ đa khoa là gì và các điều kiện thủ tục để có thể xin cấp chứng chỉ hành nghề Y sĩ đa khoa thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp các bạn nắm bắt, hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan chứng chỉ hành nghề Y sĩ, hãy cùng theo dõi!
Mục lục
Chứng chỉ hành nghề Y sĩ đa khoa là gì?
Chứng chỉ hành nghề Y sĩ đa khoa là giấy tờ xác nhận một cá nhân đã đủ điều kiện chuyên môn và pháp lý để hành nghề trong lĩnh vực Y tế.
Cụ thể, chứng chỉ hành nghề cho phép Y sĩ có thể thực hiện các công việc chăm sóc sức khỏe, tư vấn và điều trị bệnh nhân trong phạm vi hành nghề của Y sĩ đa khoa. Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi cá nhân muốn làm việc trong các cơ sở y tế, bệnh viện hoặc các phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh.
Chứng chỉ hành nghề Y sĩ đa khoa không chỉ đảm bảo rằng người sở hữu có đủ năng lực chuyên môn mà còn bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân. Các cơ quan quản lý y tế có thể sử dụng chứng chỉ này để giám sát và kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế, đồng thời giúp tăng cường sự tin tưởng của người dân đối với các Bác sĩ, Y sĩ hành nghề.
Điều kiện để xin chứng chỉ hành nghề Y sĩ đa khoa
Căn cứ quy định tại Điều 18 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
“Điều 18. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam
1. Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:
- a) Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;
- b) Giấy chứng nhận là lương y;
- c) Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
2. Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
3. Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
4. Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.”
Đồng thời tại Điểm b Khoản 1 Điều 24 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đối với Y sĩ như sau:
“Điều 24. Xác nhận quá trình thực hành
1. Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
- a) 18 tháng thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với Bác sĩ;
- b) 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với Y sĩ;…
2. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về quá trình thực hành cho người đã thực hành tại cơ sở của mình, bao gồm nội dung về thời gian, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.”
Như vậy, để được cấp chứng chỉ hành nghề Y sĩ đa khoa, các bạn cần phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản, bao gồm yêu cầu về trình độ học vấn, tình trạng sức khỏe, và kinh nghiệm phải có 12 tháng thực hành tại bệnh viện.
Xem thêm Y sĩ đa khoa có được mở phòng khám không? Cùng tìm hiểu thêm về các điều kiện pháp lý cần biết!
Hồ sơ đề nghị xin cấp chứng chỉ hành nghề Y sĩ đa khoa
Căn cứ Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định như sau:
“Hồ sơ cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề
1. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam bao gồm:
- a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
- b) Bản sao văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn;
- c) Văn bản xác nhận quá trình thực hành;
- d) Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp;
- đ) Phiếu lý lịch tư pháp;
- e) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú hoặc xác nhận của Thủ trưởng đơn vị nơi công tác.
2. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm:
- a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
- b) Bảo sao văn bằng chuyên môn;
- c) Văn bản xác nhận quá trình thực hành;
- d) Văn bản xác nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc hồ sơ của người phiên dịch theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này;
- đ) Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp;
- e) Phiếu lý lịch tư pháp;
- g) Giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp.
- Người bị mất hoặc bị hư hỏng chứng chỉ hành nghề hoặc bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 29 của Luật này thì chỉ phải làm đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề.
3. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề trong trường hợp bị thu hồi quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 29 của Luật này bao gồm:
- a) Các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với người Việt Nam hoặc khoản 2 Điều này đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trừ văn bản xác nhận quá trình thực hành;
- b) Giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức y khoa liên tục.”
Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với Y sĩ đa khoa người Việt Nam bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
– Bản sao văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn;
– Văn bản xác nhận quá trình thực hành;
– Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp;
– Phiếu lý lịch tư pháp;
– Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú hoặc xác nhận của Thủ trưởng đơn vị nơi công tác.
Thời hạn và gia hạn chứng chỉ hành nghề
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (hay giấy phép hành nghề Y) là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh.
Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 01 giấy phép hành nghề Y có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Giấy phép hành nghề y có thời hạn 05 năm.
Nội dung của giấy phép hành nghề Y bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:
- Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài;
- Chức danh chuyên môn;
- Phạm vi hành nghề;
- Thời hạn của giấy phép hành nghề y.
Người đề nghị cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề Y phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề y mà phải cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì giấy phép hành nghề Y có thời hạn 05 năm.
Trường hợp giấy phép hành nghề Y hết hạn thì sẽ được gia hạn theo quy định tại Điều 32 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, cụ thể:
– Điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề y đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng và lương y bao gồm:
- Đáp ứng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định tại Điều 22 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;
- Có đủ sức khỏe để hành nghề;
- Phải thực hiện thủ tục gia hạn ít nhất 60 ngày trước thời điểm giấy phép hành nghề y hết hạn, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
- Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
– Điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề y đối với chức danh người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền bao gồm điều kiện sau đây:
- Có đủ sức khỏe để hành nghề;
- Phải thực hiện thủ tục gia hạn ít nhất 60 ngày trước thời điểm giấy phép hành nghề y hết hạn, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
- Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề Y sĩ thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
Bước 1: Giao nhận phiếu tiếp nhận hồ sơ
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế (sau đây gọi tắt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) cấp cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thẩm định hồ sơ và có biên bản thẩm định.
Bước 3: Cấp chứng chỉ hành nghề
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.
Chứng chỉ hành nghề Y sĩ đa khoa là một yêu cầu quan trọng để đảm bảo tính hợp pháp khi hành nghề. Hy vọng phần thông tin ban tư vấn Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM tổng hợp giúp các bạn nắm rõ các điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ để tránh gặp sai sót và có những định hướng chính xác cho tương lai bản thân.