Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, Điều dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Để thực hiện công việc này một cách hợp pháp và chuyên nghiệp, những người làm nghề Điều dưỡng cần có chứng chỉ hành nghề. Vậy, điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng trong năm 2025 là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng thế nào?
Chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi cá nhân mong muốn làm việc trong ngành Điều dưỡng tại Việt Nam. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Về cơ bản, để được cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng, cá nhân phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Luật Khám bệnh như sau:
– Có văn bằng phù hợp đối với chức danh Điều dưỡng.
– Đã hoàn thành quá trình thực hành khám, chữa bệnh theo quy định tại Điều 23 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, cụ thể theo nguyên tắc sau:
- Phù hợp với văn bằng chuyên môn mà người thực hành được cấp.
- Thực hiện tại cơ sở khám, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành của người muốn cấp giấy phép hành nghề Điều dưỡng.
- Có thời gian thực hành phù hợp với chức danh Điều dưỡng.
- Cơ sở hướng dẫn việc thực hành phải phân công người hướng dẫn thực hành, đồng thời phải đăng ký danh sách những người tham gia thực hành tại cơ sở tại Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám, chữa bệnh và cấp giấy xác nhận về việc thực hành cho người tham gia quá trình thực hành tại cơ sở.
- Người hướng dẫn việc thực hành phải là những người hành nghề mà có phạm vi phù hợp với nội dung hướng dẫn thực hành, đồng thời phải chịu trách nhiệm về các hoạt động chuyên môn của người thực hành trong quá trình tham gia thực hành mà mình được phân hướng dẫn, trừ các trường hợp người thực hành cố ý vi phạm các quy định pháp luật;
- Người thực hành tại cơ sở khám, chữa bệnh phải tuân thủ theo sự phân công và hướng dẫn của người hướng dẫn thực hành, đặc biệt phải tôn trọng quyền và nghĩa vụ của người bệnh.
Quy định về hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng
Khi chuẩn bị hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng, các bạn ứng viên cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hồ sơ cần thiết. Hồ sơ đầy đủ và chính xác không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu các thủ tục phiền hà trong quá trình xét duyệt.
Nơi cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng ở đâu?
Chứng chỉ hành nghề điều dưỡng được cấp bởi Sở Y tế của tỉnh, thành phố nơi các bạn sinh sống hoặc có đăng ký làm việc. Các Sở Y tế là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân đủ điều kiện.
Tại mỗi Sở Y tế, sẽ có một bộ phận chuyên trách tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng. Các bạn có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan này để biết thêm thông tin chi tiết về các yêu cầu và quy trình cần tuân thủ.
Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng cần chuẩn bị
Căn cứ theo khoản 4 và khoản 5 Điều 30 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, một bộ hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng hoàn chỉnh thường bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề Điều dưỡng (sử dụng theo mẫu số 08 của Phụ lục I được ban hành kèm Nghị định 96/2023/NĐ-CP);
- Tài liệu chứng minh đã đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều 30 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đối với chức danh Điều dưỡng. Cụ thể gồm các điều kiện:
- Được đánh giá là đủ năng lực hành nghề Điều dưỡng qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề hoặc đã có giấy phép hành nghề được thừa nhận theo Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
- Có đủ điều kiện về sức khỏe để hành nghề Điều dưỡng.
- Đáp ứng năng lực về tiếng Việt đối với trường hợp là người nước ngoài.
- Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề khám, chữa bệnh nêu tại Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi khám, chữa bệnh không có giấy phép hành nghề mà chưa hết thời hạn được xem là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trình tự thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng
Để xin cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng, các bạn cần thực hiện theo trình tự sau:
- Bước 1: Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề gửi hồ sơ về Sở Y tế;
- Bước 2: Sở Y tế tiếp nhận và gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đề nghị
- Bước 3: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ Sở Y tế sẽ xem xét thẩm định hồ sơ và có biên bản thẩm định, cụ thể:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề cho đối tượng.
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải ghi cụ thể những tài liệu cần bổ sung, nội dung cần sửa đổi.
- Trường hợp không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề, Sở Y tế sẽ có văn bản trả lời và nêu lý do.
- Bước 4 : Trả chứng chỉ hành nghề cho người đề nghị
Quy đinh về việc thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề Điều dưỡng
Căn cứ Luật số 15/2023/QH15 khám bệnh, chữa bệnh quy định các trường hợp đình chỉ hành nghề, thu hồi chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng.
Cụ thể, người hành nghề bị đình chỉ hành nghề trong các trường hợp sau đây:
- Bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải đình chỉ hành nghề nhưng chưa đến mức bị thu hồi chứng chỉ hành nghề;
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhưng chưa đến mức phải thu hồi chứng chỉ hành nghề;
- Không đủ sức khỏe để hành nghề.
Tùy theo tính chất, mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tinh trạng sức khỏe, người hành nghề bị đình chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.
Sau khi bị đình chỉ hành nghề, tùy tính chất, mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật mà người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa theo kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này.
Chứng chỉ hành nghề bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định;
b) Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
c) Cấp sai chức danh chuyên môn hoặc phạm vi hành nghề trong chứng chỉ hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
d) Người hành nghề không hành nghề trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ trường hợp tham gia chương trình đào tạo chuyên khoa;
đ) Người hành nghề thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 20 của Luật này;
e) Người hành nghề bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải thu hồi chứng chỉ hành nghề;
g) Người hành nghề lần thứ hai bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của chứng chỉ hành nghề;
h) Người hành nghề lần thứ hai bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là có vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của chứng chỉ hành nghề;
i) Người hành nghề tự đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề;
k) Trường hợp khác do Chính phủ quy định sau khi đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi thu hồi chứng chỉ hành nghề, trường hợp muốn tiếp tục hành nghề, người hành nghề phải đề nghị cấp mới chứng chỉ hành nghề quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 của Luật này.
Các câu hỏi liên quan khác về chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng
Dưới đây là một số câu hỏi liên quan về chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng mà các bạn cũng cần nắm:
Điều dưỡng viên phải có thời gian thực hành bao lâu mới được cấp chứng chỉ hành nghề?
Căn cứ Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về xác nhận quá trình thực hành như sau:
“Xác nhận quá trình thực hành
1. Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
a) 18 tháng thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với Bác sĩ;
b) 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với Y sĩ;
c) 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên;
d) 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với Điều dưỡng viên, Kỹ thuật viên.
2. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về quá trình thực hành cho người đã thực hành tại cơ sở của mình, bao gồm nội dung về thời gian, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.”
Theo đó, Điều dưỡng viên phải trải qua thời gian thực hành 09 tháng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Thời gian cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng là bao lâu?
Thông thường, thời gian cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng dao động từ 30 đến 60 ngày kể từ ngày hồ sơ hợp lệ và được nộp. Tuy nhiên, thời gian này có thể thay đổi tùy vào quy định của từng địa phương và mức độ hoàn thiện hồ sơ của bạn. Nếu hồ sơ có vấn đề cần sửa chữa, thời gian cấp chứng chỉ có thể kéo dài hơn.
Lệ phí xin cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng
Theo thông tin công bố trên cổng Dịch vụ công Quốc gia, lệ phí xin cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng được quy định cụ thể như sau:
Hình thức nộp |
Phí, lệ phí |
Trực tiếp |
Phí: 430.000 đồng |
Dịch vụ bưu chính |
Phí: 430.000 đồng |
Như vậy, lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng năm 2025 là 430.000 đồng, áp dụng cho cả hai hình thức nộp hồ sơ: trực tuyến và qua đường bưu điện.
Chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng có thời hạn bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 thì chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh có thời hạn là 05 năm.
Chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng là một trong những giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, do đó có thời hạn là 05 năm. Trước khi hết hạn 3 tháng thì các bạn cần phải làm thủ tục, giấy tờ đề nghị gia hạn thêm.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề điều dưỡng là một quá trình quan trọng và có những quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Trên đây là giải đáp chi tiết về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng mà ban tư vấn Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổng hợp lại. Hy vọng bài viết hữu ích giúp các bạn nắm rõ các điều kiện, thủ tục, hồ sơ và quy định liên quan để có thể hoàn tất thủ tục cấp chứng chỉ một cách nhanh chóng và chính xác.
Hãy chắc chắn rằng các bạn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và đáp ứng mọi yêu cầu pháp lý để không gặp phải khó khăn trong quá trình cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng.